Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là “giàu 2 con mắt…”. Thế nhưng, trong sinh hoạt hằng ngày, nhiều khi chúng ta vô tình làm hại đến đôi mắt mà không hề biết. Dưới đây là những cách giúp bạn quan tâm, chăm sóc đôi mắt tốt hơn.
Không nhìn lâu vào màn hình máy tính
Khi nhìn lâu vào màn hình máy tính sẽ làm cho mắt bạn bị khô, mệt mỏi và bị nhức đầu. Nếu bạn thường xuyên làm việc, tiếp xúc với máy tính thì bạn nên theo nguyên tắc 20-20-20. Nghĩa là cứ 20 phút bạn nghỉ mắt 20 giây, hướng mắt nhìn tập trung vào một vật gì cách xa mắt bạn khoảng 20 feet (tương đương 60cm).
Không nên xem phim, chơi game 3D
Mặc dù chưa có một nghiên cứu dài hạn nào xác định xem phim, chơi game 3D gây tổn hại gì đến mắt, nhưng nhiều người thấy nhức đầu, chóng mặt… khi tiếp xúc nhiều với các loại hình này. Đây có thể là những dấu hiệu tiên khởi cảnh báo nhận thức giảm, thị lực kém. Trước khi có một thông báo chính thức từ các nhà khoa học, bạn hãy bảo vệ đôi mắt của mình bằng cách không nên xem phim hoặc chơi game 3D thường xuyên.
Đeo kính mát khi đi nắng là một cách bảo vệ mắt.
Nên đeo kính bảo vệ mắt khi ra nắng
Kính râm không chỉ là đeo để làm thời trang mà còn dùng để bảo vệ mắt. Tương tự như làn da của bạn, đôi mắt cũng cần được bảo vệ dưới ánh nắng mặt trời. Phơi nhiễm với tia UV nhiều quá, lâu ngày có thể bị lên mộng mắt, ung thư da mi, đục nhân mắt, thoái hóa điểm vàng, tổn hại đến giác mạc. Chọn loại kính râm có độ phủ lớn, có thể chạm đến thái dương của bạn, kế đó là chọn loại tròng kính có thể cản được cả tia UVA & UVB.
Khám mắt ngay khi thấy dấu hiệu bất thường
Quầng sáng xung quanh mắt hoặc ánh sáng chói: Khi bạn nhận thấy có những quầng sáng xung quanh mắt hoặc nhìn ánh sáng bị chói thì có thể là do sự biến đổi sinh lý bình thường, hoặc do đeo kính, sử dụng kính áp tròng cũng bị hiện tượng trên, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn bị đục thủy tinh thể. Hãy đến bác sĩ nhãn khoa nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào như trên. Bác sĩ sẽ khám mắt để kiểm tra các vấn đề bạn mắc phải. Nếu vấn đề tầm nhìn gây trở ngại cho các hoạt động thường ngày do kính, có thể bác sĩ sẽ đề nghị bạn đeo kính mới hơn, sáng hơn, dùng kính mát chống ánh sáng chói hoặc kính khuếch đại để cải thiện tầm nhìn. Nếu bạn bị đục thủy tinh thể, tùy theo mức độ thì bác sĩ có thể tư vấn dùng thuốc hoặc đề nghị phẫu thuật.
Nếu đột ngột bạn thấy có các biểu hiện sau: các đốm di động đột ngột tăng lên trong tầm nhìn; ánh sáng lóe lên đột ngột ở một hoặc cả hai mắt; bóng hoặc màn phủ qua tầm nhìn; mắt bị nhòe hoặc giảm sức nhìn… Hãy đến gặp bác sĩ ngay bởi có thể bạn bị bong, rách võng mạc. Đây là tình trạng khẩn cấp, nếu không kịp thời đặt lại võng mạc có thể dẫn đến mất tầm nhìn vĩnh viễn, chữa trị nhanh chóng, kịp thời có thể cứu vãn tầm nhìn.
Điểm mù (blink spot): Cơ thể con người luôn có những giới hạn nhất định, đỉnh điểm giới hạn của thị giác chính là điểm mù. Khác với các điểm mù bẩm sinh, điểm mù ngay giữa tầm nhìn của bạn là một điều bất thường, đó là một bệnh lý – bệnh thoái hóa điểm vàng. Các triệu chứng của thoái hóa điểm vàng: điểm đen mờ ngay giữa mắt, khó nhìn rõ, mắt có cảm giác khó chịu khi đi từ vùng sáng đến vùng tối hơn. Thoái hóa điểm vàng không phải lúc nào cũng gây mù, nhưng sẽ gây khó khăn cho bạn trong sinh hoạt hàng ngày như lái xe, đọc sách. Khi được phát hiện sớm, các bác sĩ nhãn khoa sẽ có phương pháp điều trị thích hợp để làm chậm tiến trình này lại. Bạn có thể được bổ sung vitamine E, C, beta caroten, kẽm, sử dụng nước mắt nhân tạo… để cải thiện tình trạng trên.
Chắp mắt: Nếu bạn thấy có một nốt đỏ, mềm, đau, khó chịu… ở cuối mi mắt, có thể bạn bị chắp mắt. Đây là một bệnh do tuyến của sụn mi bị bít tắc. Cách xử trí cũng khá đơn giản: dùng một khăn mỏng, nhúng nước ấm lau sạch, làm như thế từ 3 – 5 lần mỗi ngày thì chắp sẽ hết. Lưu ý không được bóp nặn vì sẽ gây tổn thương nặng hơn hoặc nhiễm trùng, để lại sẹo xấu… Bị chắp mắt không phải lúc nào cũng nguy hiểm, chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân, thường thì bệnh tự khỏi. Nếu chăm sóc mắt tại nhà như trên mà bệnh vẫn không lui sau 1 tuần thì bạn nên đến bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn và điều trị.
Khám mắt định kỳ
Có nhiều người không quan tâm đến đôi mắt của mình cho đến khi thị lực bị giảm sút trầm trọng. Một số bệnh như: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng… làm cho bạn không đọc được những dòng chữ nhỏ và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa – thường xảy ra ở tuổi trung niên. Đó là lý do vì sao bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo, nên đi khám mắt định kỳ từ 1 – 2 năm/lần. Điều này giúp kiểm tra thị lực các bạn, phát hiện bệnh và điều trị càng sớm càng tốt.
Đôi mắt chúng ta giống như một chiếc máy quay phim, chúng tự điều chỉnh theo ánh sáng và khoảng cách không gian để thích nghi. Tuy nhiên, trên thực tế là bước vào giai đoạn 40 tuổi hoặc có thể sớm hơn… chúng ta sẽ bắt đầu thấy khó khăn khi nhìn một vật gì đó đặt gần mắt, hãy đi thăm khám, có thể chúng ta bị viễn thị.
Ở độ tuổi 40 trở lên nên đi khám mắt định kỳ, ít nhất 2 năm/lần. Nên ăn nhiều rau cải xanh, trái cây, các loại thực phẩm giàu chất oxy hóa. Đeo kính mát, đội nón rộng vành khi ra ngoài để hạn chế tia tử ngoại mặt trời. Bỏ hút thuốc, hạn chế uống rượu. Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường…